Thời gian bận rộn, thủ tục nhiêu khê, sợ bị đoàn kiểm tra, thẩm định làm khó dễ… đó là tâm lý chung của các doanh nghiệp khi đi xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy công bố chất lượng sản phẩm… Nắm bắt được “điểm yếu” này, dịch vụ “cò” xin các loại giấy trên nở rộ như nấm sau mưa, điều đáng nói là phí thẩm định để cấp cao nhất chỉ có 700.000đ, nhưng qua tay “cò” giá từ 4-13 triệu đồng.
Tự đi xin không bao giờ được
Long, SĐT 0938.19.87… đã khẳng định như vậy khi biết chúng tôi có nhu cầu làm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (GCNCSĐĐKATTP) để chế biến mặt hàng rau củ quả. Long nói: “Giá chung sáu triệu đồng, 21 ngày có giấy do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM cấp. Chị chỉ cần có một máy đóng gói, chế biến sạch sẽ, em sẽ xuống sắp xếp theo đúng quy chuẩn. Chị tự đi làm giá rẻ hơn, nhưng khi đoàn xuống thẩm định, chị không có kinh nghiệm thì còn lâu mới đạt. Không tin, chị cứ thử xem, nếu không được quay lại tụi em”.
Không chỉ quảng cáo lo lót để dễ dàng lấy GCNCSĐĐKATTP do Chi cục ATVSTP TP.HCM cấp, một số “cò” còn cho biết, muốn xin GCNCSĐĐKATTP do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng rất đơn giản, miễn khách hàng “chịu chi”.
C. (Q.Tân Phú, TP.HCM) đon đả khi biết chúng tôi có nhu cầu làm GCNCSĐĐKATTP chuyên sản xuất mật ong và thuốc tăng cân (thực phẩm chức năng). C. nói: “Hai loại này được xếp vào loại thực phẩm chức năng nên Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp. Chị tìm đến em là chuẩn rồi đó, nếu chị tự đi ra ngoài Hà Nội chi phí tốn kém, mà chưa chắc đã xin được. Hên cho chị là hiện bên em đã có bốn bộ hồ sơ nộp ra Hà Nội, nếu có thêm bên chị nữa em sẽ bổ sung, làm luôn một lèo cho lẹ”. C. cho biết thêm: “Giá GCNCSĐĐKATTP 13 triệu đồng trọn gói, kể cả GCN tập huấn kiến thức VSATTP và giấy khám sức khỏe cho các nhân viên… Chị cứ giao toàn bộ hồ sơ cho em, 30 ngày sau có GCN. Chi phí tạm ứng 50%, đảm bảo giấy thiệt 100%, nếu giấy giả chị cứ báo công an”.
Khi chúng tôi thắc mắc, nếu nhân viên của Cục đến kiểm tra cơ sở, phải làm như thế nào, C. cười khẩy: “Chị khỏi lo, chị cứ làm theo hướng dẫn của tụi em, chuẩn bị hai phòng sạch sẽ, nếu có thêm cái máy đóng gói, bộ bàn ghế nữa thì càng tốt. Nhân viên ngoài Cục vào, họ chỉ hỏi qua loa vài câu rồi đưa biên bản chị ký và đi ngay. Bên em lo hết rồi mà, chị không phải lăn tăn”.
Chưa hết, C. dụ tôi làm luôn giấy công bố tiêu chuẩn chất lượng với giá bảy triệu đồng, 20 ngày sau nhận giấy. Theo C., muốn có giấy công bố tiêu chuẩn chất lượng phải đưa sản phẩm đi kiểm định. C. dặn, khi đưa mẫu mật ong đi kiểm định, phải đưa mẫu “xịn”, bên C. sẽ làm hồ sơ mật ong 100% tự nhiên, còn khi đưa ra thị trường, thành phần sản phẩm là do mình pha chế, nếu bị kiểm tra thì… hên-xui.
“Cò” hét giá như vậy, trong khi đó, điều kiện để cấp GCNCSĐĐKATTP, tùy vào sản lượng sản xuất, phí thẩm định để cấp từ 200.000đ đến 700.000đ/lần. Thẩm định lần đầu đạt, trong vòng 22 ngày, doanh nghiệp (DN) sẽ được cấp GCN. Nếu thẩm định lần đầu không đạt, trong vòng 90 ngày, DN phải nộp hồ sơ đề nghị thẩm định lần hai. Thẩm định đạt, DN chỉ đóng thêm 50.000đ để được cấp GCN. Đối với giấy công bố chất lượng sản phẩm, trong vòng 15 ngày sẽ được giải quyết với chi phí tổng cộng 250.000đ.
Vì sao “cò” lộng hành?
Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM cho biết: Chi cục vừa phát hiện một vụ làm giả GCNCSĐĐKATTP, hiện đang làm hồ sơ chuyển Thanh tra Sở. Qua tiếp nhận hồ sơ, Chi cục phân biệt được hồ sơ của “cò” do nhiều hồ sơ nộp vào chỉ có duy nhất một số điện thoại liên lạc.
Theo ông Hòa, nguyên nhân việc “cò” nở rộ và có “đất” làm ăn do nắm được nhu cầu nhiều DN muốn phó thác cho “cò”. Ông Hòa khuyến cáo, các DN tin vào “cò” sẽ chuốc nhiều thiệt hại bởi khi đoàn thẩm định đến kiểm tra, nếu đạt thì “cò” nhận tiền, còn không đạt, đoàn buộc sửa chữa, DN phải khắc phục.
Thực tế, có không ít DN phàn nàn phải nhờ đến “cò” vì việc thẩm định đủ điều kiện rất khó khăn. Về điều này, ông Hòa cho rằng: trong lĩnh vực thực phẩm, có nhiều chi tiết cần phải tuân thủ nghiêm ngặt, cho nên thẩm định kỹ là chuyện bình thường. Vì vậy, DN nghĩ là “làm khó”, đó cũng là một trong những nguyên nhân DN tìm đến “cò”, bị “cò” lừa đảo.
Để hạn chế nạn “cò” đang lộng hành như hiện nay, ông Hòa kiến nghị cần phải cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình tiếp nhận và trả kết quả; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ để hiểu rõ các nội dung thẩm định. Theo ông Hòa, hiện quy định vẫn còn những điều mơ hồ. Ví dụ, DN phải có diện tích cơ sở phù hợp, nhưng không có quy định như thế nào là phù hợp. Về quy định: nền, tường, trần phải sạch sẽ cũng chung chung, do vậy việc thẩm định hiện nay chủ yếu đánh giá theo cảm tính.
MayDongGoi.org
Theo Quỳnh Mai – Hoài An – Phụ Nữ TP.HCM
Đang online : 24
Lượt truy cập: 686860